Covid-19: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả

Lệ Nguyễn Đăng lúc: Thứ tư, 21/07/2021 10:08 (GMT +7)
Dịch bệnh Covid-19 ngày càng có những diễn biến phức tạp. Cùng tìm hiểu triệu chứng, cách phòng bệnh Covid-19 hiệu quả... để bảo vệ bản thân và gia đình.
Hashtag #Vaccine Covid-19 #Biến thể virus Covid-19 #COVID-19 #NEWS #Nóng trên MXH

1. Covid-19 là gì?

Covid-19 là tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây nên, được ghi nhận những ca đầu tiên vào tháng 12/2019 tại một chợ hải sản ở Hồ Nam, Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc.

Covid-19 tên đầy đủ là "coronavirus disease 2019". Theo đó, coronavirus là tên của chủng virus gây bệnh, desease có nghĩa là dịch bệnh và 2019 là năm loại virus này gây ra đại dịch.

Tháng 2/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại Virus đã đặt tên cho chủng virus corona mới gây nên dịch bệnh Covid-19 là Sars-CoV-2.

Kể từ đầu tháng 2 năm 2020 tới nay, Covid-19 đã lan rộng tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số liệu ngày 20/7, Covid-19 đã lây lan cho hơn 190 triệu người và khiến hơn 4 triệu người tử vong.

Covid-19: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 1

2. Tìm hiểu virus corona chủng mới

2.1. Virus Corona chủng mới tên gọi là gì?

Virus Corona chủng mới có tên gọi là SARS-CoV-2 là một loại virus gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm đường hô hấp trên (mũi, xoang, cổ họng) và đường hô hấp dưới (phổi, phế quản).

Thế giới ghi nhận có 7 loại virus Corona, trong đó có 4 loại không nguy hiểm gồm 229E, NL63, OC43 và HKU1. Hai loại khác là SARS-CoV và MERS-CoV đã từng gây nên đại dịch nguy hiểm, giết chết nhiều người vào các năm 2003 (dịch SARS và 2012 (dịch MERS).

Riêng SARS-CoV-2 là loại đặc biệt nguy hiểm, hoành hành khắp toàn cầu, bắt đầu từ Trung Quốc vào cuối năm 2019, lan ra khắp châu Âu vào đầu năm 2020 và giờ là phủ sóng 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng nói hơn, SARS-CoV-2 liên tục biến chủng, biến chủng sau nguy hiểm hơn biến chủng trước, tốc độ lây lan nhanh và nguy cơ tử vong cao hơn.

Virus SARS-CoV-2 là chủng virus Corona mà con người chưa từng có miễn dịch. 

2.2. Virus Corona chủng mới có cấu tạo như thế nào?

Virus SARS-Cov-2 có dạng hình cầu đường kính xấp xỉ 125 nanomet được bao quanh bởi nhiều gai nhọn giống như chiếc vương miện (corona trong tiếng Latin nghĩa là vương miện). SARS-Cov-2 có cấu tạo gồm 3 lớp như sau:

Lớp trong cùng: Lõi acid Nucleic. Lõi acid Nucleic chứa sợi ARN đơn dương giúp virus tiến hành nhân bản nhanh hơn.

Lớp giữa: Vỏ Protein. Lớp vỏ Protein đóng vai trò bảo vệ bao bọc bên ngoài bộ gen.

Lớp ngoài cùng: Vỏ kép Lipit và Protein. Lớp vỏ kép này bên trên có lớp gai Protein dày đặc thực hiện các nhiệm vụ của kháng nguyên, giúp virus bám vào bề mặt và xâm nhập vào các tế bào một cách dễ dàng hơn.

2.3. Thời gian ủ bệnh của virus Corona

Thời gian ủ bệnh của virus SARS-Cov-2 từ 2-14 ngày, trung bình là 5 ngày, đôi khi lên đến 21 ngày. Do thời gian ủ bệnh lâu nên việc kiểm soát và phát hiện rất khó khăn, là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh và rộng như hiện nay.

3. Nguyên nhân nhiễm Covid-19

Hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra dịch bệnh Covid-19 toàn cầu.

Theo các nhà khoa học, SARS-Cov-2 là một Betacoronavirus, cùng họ với vi-rút gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS, có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Tuy nhiên cơ chế lây lan như thế nào và nguồn gốc của nó từ đâu vẫn là một bí ẩn.

Về nguồn gốc của SARS-Cov-2 cho đến nay vẫn là một tranh cãi. Do những ca nhiễm đầu tiên được xác định từ chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc nên đôi khi nó được gọi bằng cái tên virus Vũ Hán.

4. Các triệu chứng nhiễm Covid-19

4.1. Diễn biến khi nhiễm Covid-19

Tùy theo thể trạng, tuổi tác, khả năng miễn dịch, triệu chứng nhiễm virus Corona ở mỗi người có những biểu hiện và tiến trình biểu hiện khác nhau.

Thông thường, người nhiễm Covid-19 sẽ có diễn biến lâm sàng như sau:

Ngày 1 đến ngày 3: Viêm họng nhẹ, không sốt, không mệt mỏi .Ăn uống và hoạt động bình thường.

Ngày 4: Đau họng nhẹ, người mệt mỏi, khan tiếng, nhiệt độ tăng nhẹ. Có thể có dấu hiệu đau đầu nhẹ, tiêu chảy nhẹ. Vị giác kém, nhạt miệng, không muốn ăn.

Ngày 5: Đau họng nhiều hơn, khan tiếng nhiều hơn, người mệt mỏi đau nhức các khớp, nhiệt độ tăng nhẹ.

Ngày 6: Sốt nhẹ, ho có đờm hoặc ho khan, nuốt nước bọt hay khi ăn khi nói đều thấy đau họng. Cơ thể đau nhức nhiều hơn, đặc biệt ở vị trí các khớp ngón tay ngón chân, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy.

Ngày 7: Sốt dưới 38 độ C, ho tăng, toàn thân đau nhức, khó thở, tiêu chảy, nôn.

Ngày 8: Sốt trên dưới 38 độ, ho tăng, đờm nhiều, mất tiếng, hơi thở khò khè, lồng ngực nặng. Các khớp xương đau tăng, đau đầu, đau lưng.

Ngày 9: Tất cả các tình trạng của ngày 8 tăng nặng.

4.2. Dấu hiệu sớm nhất khi nhiễm Covid-19

Khi mắc Covid-19, một hoặc một vài hoặc tất cả các triệu chứng có thể xảy ra đồng thời vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 2-14 ngày, hoặc 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19.

Các triệu chứng Covid-19 thường gặp là:

  • Khó thở
  • Ho khan, đau họng
  • Sốt cao
  • Đau tức ngực

Các triệu chứng Covid-19 ít gặp:

  • Tiêu chảy
  • Viêm kết mạc
  • Đau đầu
  • Mất vị giác hoặc khứu giác
  • Nổi mẩn trên da, Ngón tay/ngón chân tấy đỏ hoặc tím tái

5. Nguy cơ khi bị nhiễm Covid-19 kéo dài

Covid-19: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 2

Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, bệnh nhân mắc Covid-19 lúc đầu có thể xuất hiện các triệu chứng nhẹ: sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Bệnh diễn tiến nặng dẫn đến viêm phổi, khó thở và suy nội tạng, thậm chí là tử vong. Người già, trẻ em và những người có bệnh nền từ trước có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19.

6. Virus Corona lây lan như thế nào?

Covid-19: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 3

Virus Corona chủng mới lây nhiễm thông qua dịch tiết mũi họng khi tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người bệnh. 

Tiếp xúc trực tiếp là đứng gần với người nhiễm bệnh trong khoảng cách dưới 2m. Dịch tiết từ người nhiễm bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi, nói, hát xâm nhập vào miệng, mắt, mũi của người tiếp xúc.

Tiếp xúc gián tiếp là chạm vào dịch tiết từ người nhiễm bệnh bắn ra môi trường xung quanh, bám trên các bề mặt như tay nắm cửa, mặt sàn, mặt bàn, các đồ vật khác..., sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi, miệng của mình khiến virus xâm nhập vào bên trong.

Vào trung tuần tháng 7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh về tốc độ lây nhiễm của biến thể Ấn Độ và khẳng định chủng virus SARS-CoV-2 lần này lây trong không khí, trong môi trường kín “lập tức lây cho tất cả”.

7. Người không có triệu chứng có thể lây truyền Covid-19 không?

Người nhiễm Covid-19 có thể lây truyền virus trong thời gian ủ bệnh, ngay cả khi không có bất kỳ triệu chứng điển hình nào.

8. Cần làm gì khi nghi nhiễm Covid-19?

  • Ở yên trong nhà

Ngay khi bạn nghi nhiễm Covid-19, hãy ở yên trong nhà. Không ra ngoài vì bất kỳ lý do gì trước khi gọi điện cho đường dây nóng để được tư vấn.

Nếu cần các nhu yếu phẩm, bạn nên nhờ ai đó hỗ trợ và giữ khoảng cách đủ an toàn với người hỗ trợ mình.

Không đi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh ngay mà chưa gọi điện cho đường dây nóng để được tư vấn.

  • Gọi điện cho đường dây nóng

Hãy gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (tổng đài 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị theo hướng dẫn.

  • Đeo khẩu trang đúng cách khi đến các cơ sở y tế.

Khi ho hoặc hắt hơi, cần che kín mũi miệng của mình bằng khẩu trang, khăn vải, khăn giấy, che chắn bằng khuỷu tay đảm bảo giọt bắn từ dịch tiết mũi họng không bắn ra môi trường xung quanh.

  • Giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người xung quanh

Hạn chế tối đa sử dụng phương tiện công cộng trong quá trình di chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh có chức năng xét nghiệm Covid-19.

  • Thông báo với những người liên quan

Hãy thông báo với cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc, người thân, những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian gần nhất, tổ dân phố nơi mình sinh sống để mọi người chủ động có biện pháp phòng ngừa.

  • Làm xét nghiệm

Không nên trì hoãn việc làm xét nghiệm Covid-19 khi đã nhận được tư vấn của cơ sở y tế về việc nên xét nghiệm.

9. Tiêm vắc xin Covid-19 ở đâu?

Người dân có nhu cầu tiêm vắc xin Covid-19 truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 để đăng ký trực tiếp trên website. Tại mỗi điểm tiêm, người dân sẽ được và đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Sau đó các cán bộ sẽ hẹn và thông báo lịch tiêm cụ thể cho người dân khi có vắc xin phòng Covid-19.

Covid-19: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 4

Hiện tại ở Việt Nam đang triển khai các loại vắc xin như: AstraZeneca (được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca Vương quốc Anh), Sinopharm, Moderna và Pfizer (Mỹ)...

10. Một số câu hỏi phổ biến về Covid-19

10.1. Nhiễm Covid-19 thường sốt bao nhiêu độ?

Sốt được xác định do virus Corona chủng mới thường là từ 38,1 độ C – 39 độ C. Kèm theo đó là việc suy giảm hoặc mất vị giác, khứu giác.

Được biết, triệu chứng sốt không phải xuất hiện ở tất cả trường hợp nhiễm Covid-19. Nhưng đây vẫn được coi là căn cứ để sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm. Ở mỗi trường hợp nhiễm virus thì mức độ sốt có thể khác nhau. Có những người sốt rất cao song cũng có một số người chỉ bị sốt nhẹ.

10.2. Biểu hiện Covid-19 có sổ mũi không?

Người nhễm Covid-19 thường bị nhầm lẫn với biểu hiện cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, người bị cảm cúm có những dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Còn người nhiễm Covid-19 có biểu hiện ho, ho khan hoặc ho có đờm, ho dai dẳng, sốt nhưng không sổ mũi.

10.3. Ho có đờm có phải nhiễm Covid-19 không?

Nếu bạn có biểu hiện như ho khan, ho có đờm đặc và bọt thì có nguy cơ bị viêm phổi. Đây cũng chính là một trong những triệu chứng điển hình của Covid-19. Ho do Covid-19 gây ra sẽ không thể khỏi nếu chỉ điều trị bằng thuốc trị ho thông thường. Do vậy, nếu ho nhiều, kéo dài kết hợp với triệu chứng khó thở cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

10.4. Sau bao nhiêu lâu nhiễm Covid-19 thì xuất hiện triệu chứng?

Thông thường, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 2-14 ngày trung bình là 5 ngày, đôi khi lên 21 ngày khi nhiễm virus Corona chủng

10.5. Nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng vì sao?

Người nhiễm Covid-19 không triệu chứng là người đã bị virus xâm nhập vào cơ thể nhưng do cơ thể có sức đề kháng tốt nên ức chế sự hoạt động của virus. Vì thế, người này không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Một lý do khác là nồng độ virus trong cơ thể của người nhiễm bệnh ở mức thấp, chưa thể gây được bệnh nên không có triệu chứng xuất hiện ra bên ngoài. 

Những người mắc Covid-19 không triệu chứng hết sức nguy hiểm trong thời gian không có triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. 

11. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của Covid-19

Covid-19: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 5
  • Thường xuyên thực hiện việc rửa tay với xà phòng theo các bước hướng dẫn của bộ y tế. Có thể dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn, nước rửa tay khô
  • Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người lạ khi ở nơi công cộng.
  • Tránh đưa tay lên mắt mũi miệng, che miệng mũi khi ho và hắt hơi
  • Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, chú ý dinh dưỡng, xây dựng lối sống lành mạnh
  • Vệ sinh nhà cửa thông thoáng, chú ý vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc
  • Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, hãy ở yên trong nhà theo dõi và cách ly với người thân, gọi cho tổng đài tư vấn để được tư vấn các bước tiếp theo.
  • Tự cách ly, theo dõi sức khỏe và khai báo y tế nếu trở về từ vùng dịch
  • Thực hiện khai báo y tế trực tuyến 
  • Cài đặt ứng dụng Bluezone để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19

 

Những thói quen đơn giản nhưng nhất định phải duy trì để giữ “thanh xuân” thật lâu trên gương mặt Mặt hàng được mua nhiều nhất trong thời Covid-19 hoành hành tại Việt Nam Mắc biến thể Delta có biểu hiện gì khác so với những dấu hiệu nhiễm chủng Covid-19 ban đầu? Hà Nội: Ai có thể đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp