Gỏi sầu đâu, món gỏi vị đắng hậu ngọt, ăn thử dễ ghiền của An Giang

Rin Chen Đăng lúc: Thứ tư, 19/01/2022 17:28 (GMT +7)
Gỏi sầu đâu là sự kết hợp giữa vị đắng đặc trưng của lá sầu đâu, vị chua dịu của xoài, vị ngọt béo của thịt ba chỉ và vị mằn mặn của khô cá sặc.
Hashtag #Du lịch miền Tây #Đặc sản miền Tây #Văn hóa ẩm thực #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

An Giang là một tỉnh Tây Nam Bộ cách TP. HCM hơn 200km và có đường biên giới dài khoảng 104km với Campuchia. Khi nhắc đến ẩm thực An Giang, bạn sẽ không thể bỏ qua những món ăn như tung lò mò, cốm dẹp, bò cạp Bảy Núi, mắm Châu Đốc… Đặc biệt khi đến An Giang khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 Âm Lịch, bạn sẽ được thưởng thức món gỏi sầu đâu nổi bật với vị đắng lạ miệng.

Ảnh: @nguyeenxleex.
Ảnh: @nguyeenxleex.

Thực ra gỏi sầu đâu là món có ở nhiều tỉnh miền Tây, ngoài An Giang, Cà Mau cũng rất nổi tiếng với món gỏi này. Tùy từng tỉnh mà gỏi sầu đâu sẽ có những khác biệt riêng, tuy nhiên điểm chung của nó là nhất định phải có hoa, lá sầu đâu. 

Cây sầu đâu là gì?

Sầu đâu là một loại cây mọc nhiều ở các tỉnh miền Tây như Châu Đốc (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang), Bạc Liêu… Nếu như cây sầu đâu ở miền Trung có hoa màu tím, lá độc không ăn được thì sầu đâu miền Tây lại là cây thân gỗ cao vài mét, có hoa màu trắng nở từng chùm, tuy lá có vị đắng nhưng khi được kết hợp mới nhiều nguyên liệu khác thì sẽ tạo thành món gỏi sầu đâu vô cùng hấp dẫn. 

Gỏi sầu đâu thường được làm từ lá non và hoa của cây sầu đâu.
Gỏi sầu đâu thường được làm từ lá non và hoa của cây sầu đâu.

Vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 Âm Lịch hàng năm, cây sầu đâu sẽ bắt đầu ra hoa, thay lá. Lúc này người ta sẽ mua những bó lá và hoa sầu đâu về và làm thành món gỏi sầu đâu. Gỏi sầu đâu cũng là một món ăn phổ biến thường xuất hiện trong bữa ăn của người Campuchia. Thông qua nhiều gia đình người Khmer sống ở ven biên giới, món ăn này đã nhanh chóng trở thành đặc sản của nhiều vùng miền Tây, trong đó có An Giang.

>>> Xem thêm Cách làm gỏi sầu đâu khô sặc - đặc sản Cà Mau ngon nức tiếng

Gỏi sầu đâu được làm như thế nào?

Để giảm vị đắng của sầu đâu, sau khi rửa sạch những lá non, người ta sẽ cho lá sầu đâu vào nồi chần sơ. Tuy nhiên nếu muốn giữ nguyên vị đắng đặc trưng của loại lá này, bạn chỉ cần ướp vào nước đá để lá được giòn và tươi lâu hơn. Ngoài lá sầu đâu thì người ta sẽ chuẩn bị thêm nhiều nguyên liệu khác như xoài bào sợi, dưa chuột thái lát mỏng, dứa xắt sợi, khô cá nướng xé nhỏ hay thịt ba chỉ luộc thái chỉ…

Ảnh: @babanbanh.
Ảnh: @babanbanh.

Sau khi trộn đều các nguyên liệu với nhau, món gỏi này sẽ được rưới thêm nước mắm ớt tỏi chua ngọt để hương vị thêm đậm đà và hấp dẫn hơn. Khi thấy gỏi thấm gia vị rồi, người ta sẽ bày món ăn ra đĩa, rắc thêm một chút rau thơm, đậu phộng hay ớt thái nhỏ để gỏi sầu đâu đẹp mắt hơn. 

Hương vị của gỏi sầu đâu

Ban đầu, nếu chưa quen với vị đắng của gỏi sầu đâu, nhiều người sẽ cảm thấy… sợ. Thế nhưng nếu đã ăn thử và nếm đủ các vị đắng, mặn, ngọt, chua của món ăn, bạn sẽ thấy thích món ăn này hơn. 

Ảnh: @hutaxuta.foodie.
Ảnh: @hutaxuta.foodie.

Gỏi sầu đâu có vị đắng của lá sầu đâu, vị chua dịu của xoài dứa, vị béo ngậy của thịt ba chỉ luộc, vị mặn của khô cá nướng… tạo thành một món ăn lạ miệng và khá hấp dẫn. Món gỏi sầu đâu thường được ăn cùng cơm nóng hoặc bánh phồng tôm. Đặc biệt đây còn là món nhậu lai rai được nhiều người yêu thích mỗi khi có dịp ghé thăm An Giang.

Cách làm gỏi sầu đâu khô sặc - đặc sản Cà Mau ngon nức tiếng Cơm tấm Long Xuyên, tưởng bình thường mà ngon không tưởng của An Giang Cơm nị - cà púa, cặp đôi không thể tách rời của người Chăm ở An Giang
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp